Mặc dù đã tốt nghiệp Cử nhân của trường Đại học Kiến trúc TP.HCM song Mạch Thị Thùy Khanh vẫn quyết định chinh phục đam mê “làm chủ bầu trời”. Quyết định đó của cô nàng cũng nhận được sự ủng hộ của gia đình. 

Với những ai yêu thích nghề phi công chắc chắn không còn xa lạ gì với nữ cơ phó Mạch Thị Thùy Khanh. Cô nàng sinh năm 1996 tại TP.HCM hiện đang là cơ phó của một hãng hàng không nổi tiếng tại Việt Nam. Hành trình dám bứt phá bản thân, theo đuổi đam mê của nàng cơ phó Gen Z đã truyền cảm hứng rất lớn cho các bạn trẻ.

Trước khi theo đuổi những cánh “chim sắt” làm chủ bầu trời Thùy Khanh từng là sinh viên trường Đại học Kiến trúc TP.HCM. Thời điểm mới học hết cấp 3 cô nàng chưa có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp trong tương lai. Vốn yêu thích vẽ vời nên Khanh lựa chọn theo học kiến trúc. Tuy nhiên, càng ngày cô lại càng cảm thấy bản thân không phù hợp với nghề này.

Thùy Khanh cũng từng thử sức với nhiều công việc khác nhau theo đúng chuyên ngành Kiến trúc. Tuy nhiên khối lượng công việc quá nhiều, thường xuyên phải chạy deadline và mang việc về nhà khiến cô nàng cảm thấy mất đi sự sáng tạo. Vốn có mẹ làm trong ngành hàng không, ngày bé từng được mặc bộ đồ phi công biểu diễn văn nghệ ở cơ quan mẹ nên Thùy Khánh cảm thấy có hứng thú với nghề phi công. 

Cô dành thời gian tìm hiểu và nhận ra đây mới thực sự là đam mê của mình. Phi công vừa có thể làm chủ bầu trời, không phải chạy deadline, có thu nhập tương đối cao và đặc biệt là có nhiều thời gian dành cho gia đình. Tuy nhiên, để theo đuổi ngành này phải đáp ứng những yêu cầu rất khắt khe cả về điều kiện tài chính và khả năng thực hành. Ngoài việc nắm được các yếu tố về luật, khí tượng, vật lý, kỹ thuật hàng không còn phải hiểu biết về sinh học cơ thể và có tâm lý vững vàng. Bởi phía sau phi công là hàng trăm hành khách và toàn bộ ê kíp phục vụ. Tuy nhiên, bằng quyết tâm của mình, sau khi dự thi nghề phi công Khanh đã thực sự trúng tuyển. Điều này khiến mẹ của cô nàng cũng cảm thấy bất ngờ bà vốn chỉ nghĩ Khanh thi cho vui.

Biết con gái thực sự đam mê nghề nghiệp này, mẹ của Khanh cũng như cả gia đình từ ông ngoại, cậu đến các thành viên khác sẵn sàng hỗ trợ học phí cho cô đi học. Được biết, chi phí để theo đuổi nghề phi công của Khanh lên tới 200.000 USD (gần 5 tỷ đồng) chưa kể các khoản phát sinh khác. Bên cạnh đó cô còn phải học tập và huấn luyện trong môi trường khắt khe từ TP.HCM đến Mỹ và Singapore.

Trước khi sang Mỹ du học, Thùy Khanh đã học một khoá huấn luyện lý thuyết phi công cơ bản tại Việt Nam để xác định xem mình có thực sự đam mê hay không. Mặc dù phải rất chật vật mới vượt qua được nhưng cô nàng càng khẳng định thêm quyết tâm của mình. Sau khi từ Mỹ trở về, Thùy Khanh được nhận vào làm việc tại một hãng hàng không ở Việt Nam. Cô tiếp tục học trau dồi thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm bay tại TP.HCM và Singapore. Hiện tại, nữ phi công đã có hơn 500 giờ bay, giây phút được điều khiển máy bay bay lên cao, chân nhả thắng, tay được đẩy cần ga và bánh lái chính là lúc cô bạn cảm thấy mình đã có chọn lựa đúng đắn.

Hiện tại, ngoài những giây phút điều khiển cánh “chim sắt”, cô nàng Gen Z này còn sở hữu một kênh YouTube thu hút 61,2 nghìn người đăng ký. Thùy Khanh tự tin thể hiện bản thân trước công kính, chia sẻ hành trình đến với nghề phi công của mình. Đặc biệt, tất cả các công đoạn cho ra đời một video từ quay dựng đến làm đồ họa đều được nàng cơ phó tự mình thực hiện. Đây cũng là cách Thùy Khanh muốn sử dụng để tận dụng tấm bằng đại học Kiến trúc của mình không bị bỏ phí.

Trên trang Fanpage và YouTube cá nhân cô nàng cũng thường xuyên chia sẻ các khóa học về phi công. Thùy Khanh phân tích kỹ lưỡng từng ưu điểm, nhược điểm của mỗi khóa học để các bạn trẻ cân nhắc lựa chọn. Với cô, học phí của nghề này quả thực là một con số khổng lồ nên mỗi người cần xác định thật kỹ lưỡng. Vì nội dung học quá khắt khe, đã từng có không ít người bỏ cuộc giữa chừng. Còn với Thùy Khanh mặc dù rất áp lực nhưng cô không cho phép bản thân từ bỏ. Bởi đó là sự tin tưởng, kỳ vọng của gia đình, sẵn sàng vay mượn để cho cô theo đuổi đam mê.

Chính vì thế, trong quá trình học, Thùy Khanh không bao giờ bỏ bất cứ buổi bay nào. Những chia sẻ của nữ cơ phó Gen Z về hành trình theo đuổi sự nghiệp, những điểm thú vị của nghề phi công với góc nhìn mới lạ, độc đáo nhanh chóng thu hút rất nhiều người quan tâm.

Thùy Khanh từng tâm sự giây phút mình khẳng định chắc chắn lựa chọn của bản thân là đúng đắn chính là lúc cô được bay chuyến bay đầu tiên trong đời. “Chuyến bay đầu tiên trong đời là khi được ngồi trong khoang lái, cùng thầy bay lên cao, chân nhả thắng, tay được đẩy cần ga và bánh lái là tôi thấy mình đã có chọn lựa đúng đắn”.

Không chỉ vậy, nàng cơ phó đa tài còn sở hữu ngoại hình khá nổi bật. Với gương mặt bầu bĩnh, đáng yêu cùng nụ cười tỏa nắng, cô nàng đôi khi còn chụp mẫu thời trang cho một số thương hiệu. Mỗi lần xuất hiện, Thùy Khanh lại mang đến một nguồn năng lượng tích cực với nụ cười luôn thường trực trên môi. Điều đó cũng khiến cho khán giả ngày càng yêu quý cô gái này.

Với những thành tích nổi bật của mình, nữ cơ phó Mạch Thị Thùy Khanh còn được Forbes chọn là nhân vật truyền cảm hứng cho phụ nữ Việt Nam với chủ đề "Phụ nữ thay đổi thế giới". Bởi hiện tại, có không ít bạn trẻ chưa thực sự xác định được đam mê của mình. Kể cả khi thấy bản thân không phù hợp với công việc đang theo đuổi nhưng vẫn không dám thay đổi bởi sợ sẽ thất bại. Nếu vẫn mang trong mình tâm lý này thì sẽ rất khó có thể bứt phá bản thân.

Thùy Khanh đã truyền cảm hứng cho các bạn trẻ chỉ cần chúng ta đủ đam mê và quyết tâm theo đuổi đến cùng thì chắc chắn sẽ thành công. Trước khi trở thành cơ phó như hiện nay, cô nàng cũng đã không ít lần bật khóc vì áp lực bởi những bài học khắt khe của nghề phi công. Nữ cơ phó Gen Z từng tâm sự lần đầu tiên cô khóc vì bị thầy la mắng khi bay ở sân bay mới. Thùy Khánh cảm thấy mất tự tin khi hạ và cất cánh, không biết bản thân có thể làm được hay không.

Lần thứ hai cô nàng bật khóc vì giáo viên và mình bất đồng quan điểm, không hiểu nhau. Lần thứ ba cô bạn khóc vì cảm thấy thất vọng về bản thân mình khi gặp lại giáo viên cũ nhưng vẫn chưa hoàn thành được bài thực hành. Bởi vậy mới thấy, trên hành trình theo đuổi thành công không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Ở đó có rất nhiều chông gai, thử thách cần sự quyết liệt, dám nghĩ, dám làm mới có thể thực hiện được.

Sau thời gian dài học tập và huấn luyện, Thùy Khanh cũng hoàn thành xuất sắc chương trình đào tạo với 3 tấm bằng lái máy bay cơ bản, mơ ước được làm chủ bầu trời của cô đã chính thức trở thành hiện thực. Dẫu vậy, nàng cơ phó Gen Z vẫn cực kỳ khiêm tốn.

"Có thể ở thời điểm hiện tại, Khanh may mắn được nhiều bạn trẻ yêu mến. Nhưng mình nghĩ mọi người đang cảm thấy tò mò về công việc của một phi công vì số lượng nữ giới làm công việc này khá ít. Thế nên những chia sẻ của mình về ngành nghề, về hành trình đến với nghề từ con số 0 cho đến vị trí cơ phó như hiện tại nên sẽ tạo sức hấp dẫn với mọi người, nhất là các bạn trẻ". - Thùy Khanh chia sẻ trên sân khấu khi được Forbes vinh danh.

Cô nàng cũng nhắn nhủ tới các bạn nữ có cùng niềm đam mê “chinh phục bầu trời” giống mình hãy đặt quyết tâm cao nhất, bắt đầu sớm nhất khi đủ điều kiện. Bên cạnh đó cần gạt bỏ tâm lý phi công là nghề nghiệp của nam giới. Bởi nếu nam giới làm được thì phụ nữ cũng làm được. Nếu họ quyết tâm một thì chúng ta có thể quyết tâm mười. Chỉ có như vậy mới có thể biến giấc mơ thành hiện thực.